1. Khái niệm:
Hội thảo là cuộc thảo luận về một số vấn đề nào đó có tính khoa học, lý luận và thực tiễn đang đặt ra. Mục đích của hội thảo là làm sáng tỏ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của vấn đề, đề xuất, kiến nghị hoặc dự báo vấn đề một cách có cơ sở khoa học. Nội dung của hội thảo sinh viên là xuất phát từ nhu cầu bức bách của cuộc sống sinh viên, từ đòi hỏi của công tác Hội và phong trào sinh viên, giúp các cấp bộ Hội định hướng và phương pháp giải quyết những khó khăn đang đặt ra.
2. Phương pháp tổ chức hội thảo:
a. Chuẩn bị nội dung:
- Thông báo nội dung hội thảo để sinh viên chuẩn bị ý kiến và thu thập tài liệu liên quan đến nội dung hội thảo.
- Chuẩn bị đề dẫn của Ban Tổ chức. Đề dẫn cần ngắn gọn, cô đọng, có tính chất bao quát và gợi ý những vấn đề cần thảo luận.
- Căn cứ vào chủ đề có thể phân công các tham luận tại hội thảo. Phần thảo luận là một sinh hoạt có tính khoa học, do đó các tham luận khi chuẩn bị cần có căn cứ khoa học, có biểu mẫu thống kê, điều tra xã hội học, các số liệu, tư liệu, các dẫn chứng minh họa, chứng minh cho các quan điểm khoa học của mình.
b. Chuẩn bị về nhân sự:
* Nhóm chuẩn bị về nội dung:
Nhóm có trách nhiệm chuẩn bị nội dung hội thảo, như:
+ Lựa chọn, đề xuất chủ đề hội thảo, nội dung các tham luận.
+ Xây dựng đề dẫn hội thảo.
+ Phối hợp đặt bài tham luận. Với mỗi lĩnh vực nên lựa chọn những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong lĩnh vực đó để chuẩn bị tham luận. Tham luận tại hội thảo yêu cầu phải khoa học, hợp lý và có tính thuyết phục cao nên cần được chuẩn bị kỹ lưỡng. Việc lựa chọn, đặt bài tham luận phải tiến hành sớm, cẩn thận và khách quan.
+ Biên tập kỷ yếu hội thảo.
+ Xây dựng Chương trình hội thảo.
* Nhóm chuẩn bị tổ chức:
- Chịu trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện đảm bảo để tổ chức hội thảo, như:
+ Liên hệ địa điểm tổ chức cùng các điều kiện đảm bảo, /div>
+ Kết hợp cùng nhóm chuẩn bị nội dung xây dựng chương trình, kịch bản điều hành chi tiết buổi hội thảo.
+ Phân công người làm công tác tổ chức, dẫn chương trình, thư ký, phụ trách công tác hội trường, phụ trách các tiết mục văn nghệ (nếu có).
+ Kết hợp cùng nhóm chuẩn bị nội dung lên danh sách và liên hệ mời đại biểu, khách mời và người chủ trì hội thảo.
c. Chuẩn bị về điều kiện tổ chức:
- Lập dự trù kinh phí và nguồn kinh phí tổ chức hội thảo. Lựa chọn thời điểm tổ chức để đảm bảo số lượng người tham gia theo yêu cầu, có chất lượng và đảm bảo tính thời sự của chủ đề.
- Kiểm tra về địa điểm tổ chức:
+ Về không gian: Hội trường (Hội thảo nên tổ chức khoảng dưới 100 người, kê bàn ghế hình chữ U), bàn chủ tọa, bục phát biểu... có đảm bảo không.
+ Về trang trí: Thông thường, trong các hội thảo, trang trí khánh tiết cần giản dị, đầy đủ, tránh quá cầu kỳ không cần thiết hoặc quá cẩu thả, sơ sài.
+ Về ánh sáng, âm thanh: Cần chuẩn bị tốt về ánh sáng để đại biểu có thể đọc rõ tài liệu âm thanh là hết sức quan trọng, micro phải đầy đủ hoặc linh hoạt để người tham gia hội thảo có thể chủ động phát biểu ý kiến, chất lượng âm thanh tốt.
+ Lưu ý: Các báo cáo viên có thể sử dụng các bảng biểu, hình ảnh minh hoạ, trước khi hội thảo diễn ra cần nắm bắt rõ hình thức trình bày của báo cáo viên để chuẩn bị không gian trưng bày hoặc máy chiếu Over head, Projector...
3- Chương trình một buổi hội thảo:
- Ổn định tổ chức.
- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
- Trình bày đề dẫn tại hội thảo. Thảo luận: Phần thảo luận là một sinh hoạt có tính khoa học. Các tham luận phải được đề cập từ nhiều góc độ. Trong quá trình thảo luận cần có những phản biện để làm sáng tỏ vấn đề một cách khách quan, biện chứng và phải luôn lấy thực tiễn làm thước đo chân lý.
- Tổng kết hội thảo: Khẳng định những vấn đề đã được hội thảo nhất trí, trên cơ sở đó nêu những đề xuất và kiến nghị cách giải quyết vấn đề. Những vấn đề chưa được khẳng định cần hướng cho các thành viên dự hội thảo tiếp tục suy nghĩ, nghiên cứu, đồng thời bám sát thực tiễn cuộc sống để điều chỉnh quan điểm của mình.