Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) đã chính thức trở thành một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Lễ trao giấy chứng nhận diễn ra tại thành phố Setubal - Bồ Đào Nha, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh lần thứ V với chủ đề "Đại dương kết nối chúng ta".
Cùng với vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang, Lăng Cô là vịnh thứ ba của Việt Nam trở thành thành viên của Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới (hiện Câu lạc bộ này có 30 vịnh thành viên, trong đó có 3 vịnh của Việt Nam).
Thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) là một vùng đất giàu tiềm năng bởi thiên nhiên, phong cảnh đẹp. Đèo Hải Vân, non xanh nước biếc, núi chạy dài ra sát mép biển. Bên dưới là bãi tắm Lăng Cô phẳng lì, gần như nguyên sơ, nước xanh trong.
Trước đây, người ta biết đến Lăng Cô như một điểm dừng chân của khách trước khi qua đèo, với vài dãy hàng cơm, một vài điểm bán hàng hải sản khô lèo tèo. Từ khi hầm đường bộ Hải Vân được khởi công xây dựng, thị trấn Lăng Cô mới trở nên nhộn nhịp hơn. Các lợi thế của vùng đất giàu tiềm năng này bắt đầu được khai thác.
Hiểu và đón trước thời cơ đến với vùng đất Lăng Cô, Công ty Cổ phần khách sạn Hương Giang đã có chiến lược đầu tư dài hơi. Khu du lịch Lăng Cô vừa hình thành trên diện tích rộng hơn 10.000 m² với 60 phòng nghỉ dạng nhà biệt thự hướng ra biển, phục vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, thể thao, hội họp theo tiêu chuẩn quốc tế 4 sao và đều có chung lợi thế là gần quốc lộ 1A, hầm đường bộ Hải Vân và cách cảng nước sâu Chân Mây 8 km.
Đồng hành với Công ty du lịch Hương Giang là Khách sạn Công Đoàn (Liên đoàn lao động Thừa Thiên - Huế) cũng được xây dựng, tạo thành một cụm du lịch đón và phục vụ cùng lúc hàng trăm khách.
Sau khi hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào sử dụng, các đơn vị làm du lịch ở đây còn kết hợp mở thêm tuor du lịch Huế tham quan hầm đường bộ Hải Vân, vào Đà Nẵng mua sắm và ngược ra nghỉ đêm tại Lăng Cô trước khi về lại Huế thật hấp dẫn.
Trong tương lai, Lăng Cô còn có thể phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch ngắm cảnh đèo Hải Vân, để tránh sự đơn điệu trong từng tuor, tuyến du lịch, chứ không chỉ là du lịch tắm biển, nhằm thu hút lượng lớn khách du lịch nước ngoài đến với vùng đất giàu tiềm năng này.
Nhìn ra xa, thị trấn Lăng Cô còn có vùng đầm phá, có đầm Lập An trải rộng trên địa bàn, với hệ động thực vật phong phú. Bà con ngư dân ở đây hết sức năng động trong việc du nhập các nghề mới trên đầm phá để tăng giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, như nuôi ốc hương, vẹm xanh, nuôi cá giò, nuôi các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như các dìa, cá mú, cá hồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc làm cơ sở dịch vụ hậu cần cho du lịch phát triển
(ST)